Giao thông Hải_Phòng

Bài chi tiết: Giao thông Hải Phòng
Một góc cảng Đình Vũ Hải Phòng

Với vị trí là đầu mối giao thông quan trọng, là cửa chính ra biển của toàn miền Bắc. Hải Phòng hội đủ tất cả các loại hình giao thông bao gồm năm loại hình là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không và hệ thống cảng biển.

Hệ thống cảng biển

Hải Phòng có vị trí chiến lược, là cửa ngõ ra biển kết nối với thế giới của cả miền Bắc. Do vậy hệ thống cảng biển của thành phố được chú trọng đầu tư mở rộng từ rất sớm. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Hải Phòng đã được người Pháp xây dựng như một trung tâm thương mại, tài chính và đặc biệt nhất là cảng biển có tiếng tăm của Thái Bình Dương. Đầu thế kỷ XX, cảng Hải Phòng đã có mối quan hệ gắn bó với nhiều cảng lớn ở Đông Nam Á, châu Á, châu Đại Dương, Bắc Mỹ, ven Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải, Đại Tây Dương, biển Bắc Âu...[32]

Cảng Hải Phòng là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, cùng với Cảng Sài Gòn là một trong 2 hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam, hiện đang được Chính phủ nâng cấp. Cảng Hải Phòng nằm trên tuyến đường giao thông trên biển, kết nối Singapore với Hồng Kông và các cảng của Đông ÁĐông Bắc Á.

Ngoài cảng biển, ở Hải Phòng còn có hơn 35 bến cảng khác với các chức năng khác nhau, như vận tải chất hóa lỏng (xăng, dầu, khí đốt), bến cảng đóng tàu, bến cho tàu vận tải đường sông nhỏ có trọng tải 1-2 tấn ("tàu chuột") như cảng sông Vật Cách, cảng sông Sở Dầu.

Theo quy hoạch phát triển vươn mình ra biển của thành phố và theo tính toán đến năm 2020, lượng hàng qua cảng Hải Phòng dự kiến sẽ đạt từ 110-120 triệu tấn vượt xa so với công suất tối đa hiện nay, vì thế dự án cụm Cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Lạch Huyện đã được triển khai tại đảo Cát Hải với vốn đầu tư 1 tỷ USD. Đây là tương lai của Cảng biển Hải Phòng nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải đến hơn 100.000 DWT và được xác định là cảng cửa ngõ quốc tế (loại IA). Khi siêu cảng Container Lạch Huyện được đưa vào sử dụng, Thành phố có kế hoạch di chuyển hết tất cả các Cảng sông nội đô ra Lạch Huyện, nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị của Thành phố.

Đường sắt

Hải Phòng có một tuyến đường sắt là tuyến Hà Nội - Hải Phòng, do Pháp xây dựng từ năm 1901 đến ngày 16.6.1902 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện được sử dụng để vận chuyển hành khách và hàng hóa, tuyến đường sắt này đang có kế hoạch được nâng cấp và điện khí hóa tuyến đường sắt này dài 102 km, gần như song song với quốc lộ 5A, đi qua địa phận các tỉnh thành: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội.[40] Ga Hải Phòng là ga hành khách cuối cùng trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Cùng với ga Huế và ga Nha Trang, ga Hải Phòng nằm trong số ít những ga đường sắt vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét kiến trúc thời Pháp thuộc.[41]

Nhà ga số 1 cảng Hàng Không Cát Bi

Đường hàng không

Ở Hải Phòng hiện chỉ có 1 sân bay phục vụ dân sự, Sân bay quốc tế Cát Bi là sân bay đầu tiên của miền Bắc xây dựng từ thời Pháp thuộc. Sân bay này ban đầu xây dựng phục vụ mục đích quân sự. Hiện nay Vietnam AirlinesJetstar Pacific Airlines đang khai thác đường bay Hải Phòng - Thành phố Hồ Chí Minh với 42 chuyến một tuần phục vụ vận tải hành khách. Vietnam Airlines mới đây đưa vào hoạt động đường bay Hải Phòng - Đà Nẵng với 7 chuyến một tuần (trước đây đã từng khai thác đường bay Hải Phòng - Macao (bay thuê chuyến) và Hải Phòng - Paris (thời chiến tranh)).

Thành phố đang thực hiện nâng cấp sân bay Cát Bi theo tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E, giai đoạn 1 đến năm 2015, bảo đảm tiếp nhận được máy bay B747 hạn chế tải trọng, B777-300, B777-200, A321. Xây dựng mới đường băng số 2, với kích thước dài 3050m, rộng 60m. Sân đỗ máy bay được mở rộng thành 8 vị trí đỗ. Cải tạo đường băng số 1 (cũ) thành đường lăn dài 3.050m, rộng 44m. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 5 nghìn tỷ đồng. Hiện nay hãng hàng không giá trị nhất Việt Nam VietJet Air đã chọn Cảng Quốc tế Cát Bi làm Hub (bãi đỗ) cho hãng bay của mình, hãng cũng đề xuất xây dựng một nhà ga thứ hai, vốn xã hội hóa, dự kiến quý 4, năm 2017 sẽ khởi công xây dựng nhà ga mới này.

Thành phố có dự án xây dựng thêm một cảng hàng không quốc tế Hải Phòng dự kiến đặt tại huyện Tiên Lãng. Đây là Dự án có khả năng sẽ là sân bay lớn nhất tại miền Bắc với quy mô khoảng 6000 ha với tổng vốn đầu tư dự tính hiện thời qua 3 giai đoạn đến 2030 là hơn 8 tỉ USD.[42]

Đường bộ

Các tuyến đường huyết mạch nối Hải Phòng với các tỉnh thành khác như: Quốc lộ 5, quốc lộ 10, quốc lộ 37, và các tuyến đường cao tốc như Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình.

Là nơi toàn bộ các nhánh hạ lưu của sông Thái Bình đổ ra biển nên Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc. Chính vì điều đó, việc xây dựng cầu đường trở nên rất quan trọng đối với thành phố này.

Một số công trình cầu tiêu biểu như: cầu Bính bắc qua sông Cấm nối giữa quận Hồng Bàng và huyện Thủy Nguyên, được cho là một trong những cây cầu đẹp nhất Đông Nam Á; cầu Lạc Long bắc qua sông Tam Bạc, thuộc quận Hồng Bàng, và được xem đây là cây cầu có đường dẫn đẹp nhất thành phố; và cầu Quay còn gọi là cầu xe lửa, bắc qua sông Tam Bạc, "cây cầu lịch sử" được xây dựng vào thời Pháp thuộc.[43], cầu vượt biển Đình Vũ - Cát Hải dài nhất Việt Nam, cầu Bạch Đằng thuộc cao tốc Hải Phòng - Hạ Long.

Giai đoạn 2013 - 2018, Hải Phòng đạt kỷ lục xây nhiều cầu nhất trong lịch sử Việt Nam, với 20 cây cầu lớn nhỏ được xây dựng và đưa vào sử dụng, nổi bật là cầu Tân Vũ Lạch Huyện dài nhất Việt Nam. Trong năm 2016, 2017 lần đầu tiên những cây cầu ở Hải Phòng được thi công nhanh chóng đến không ngờ, có những cây cầu chỉ trong vòng 6 tháng đã hoàn thành như cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm, cầu vượt Ngã Ba Đình Vũ, 8 tháng đưa vào sử dụng 2 song cầu bắc qua sông Thái Bình nối huyện Vĩnh Bảo và huyện Tiên Lãng. Ước tính từ nay cho đến năm 2030, Hải Phòng sẽ có thêm 30 cây cầu nữa, sẽ trở thành "thành phố của những cây cầu" của vùng Duyên Hải Bắc Bộ, và nếu như Đà Nẵng - "thành phố cả những cây cầu" ở miền Trung - có những cây cầu mang tính biểu tượng, thì Hải Phòng lại có những cây cầu mang ý nghĩa về mặt hạ tầng, tạo nên một hệ thống logistic chất lượng bậc nhất miền Bắc Việt Nam.

Giao thông đô thị

Cầu Tân Vũ Lạch Huyện, cây cầu dài thuộc top đầu Đông Nam Á, đã được hoàn thành vào tháng 5 năm 2017

Thành phố Hải phòng có khoảng 600 tuyến đường phố, nằm trong 7 quận nội thành. Đường dài nhất là đường Phạm Văn Đồng, dài 14.5 km. Ngắn nhất là phố Đội Cấn, nối từ phố Lê Lợi đến phố Lương Văn Can thuộc quận Ngô Quyền, chỉ dài hơn 70 mét.

Năm 2011, Thủ tướng đã phê duyệt kết quả đàm phán dự án "Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng" với tổng mức đầu tư 276,611 triệu USD. Dự án này được thực hiện trong 5 năm, từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Dự án bao gồm xây dựng tuyến đường trục đô thị Hải Phòng dài 20 km từ xã Lê Lợi (An Dương) đến quận Hải An và các cầu trên tuyến gồm xây mới cầu Niệm 2, cầu Đồng Khê vượt qua sông Lạch Tray và đường Trường Chinh, hầm chui cầu Rào, cải tạo cầu Niệm hiện tại. Cũng trong dự án này, thành phố sẽ thí điểm xây dựng tuyến xe buýt công cộng từ trung tâm đi Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Đồng thời, vận hành nâng cao thể chế năng lực quản lý giao thông vận tải, lập và thực hiện quy hoạch về giao thông đô thị, vận tải công cộng…

Hầu hết các quận huyện của Hải Phòng đều có các bến xe vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Biển xe máy 4 số theo thứ tự từ F đến S. Biển xe máy 5 số phân theo quận huyện có ký hiệu 15A1 đến 15N1. Trong khi đó biển ô tô 4 số gồm các đầu số 16K, 16H, 16L, 16M, 16N, 16R, 16LD,...và biển ô tô 5 số gồm các loại 15A, 15B, 15C, 15D, 15R, 15LD,...

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hải_Phòng http://www.britannica.com/EBchecked/topic/ http://www.daubephaiphong.com/index.php?option=com... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb153899805 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb153899805 http://id.loc.gov/authorities/names/n85137210 http://d-nb.info/gnd/4669380-4 http://www.chaobuoisang.net/baotinh/haiphong/phat-... http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/bat-dong-san/du... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/du-lich/2012/06/201... http://www.pcivietnam.org/rankings_general.php